Truyền thống văn hóa

Văn hóa vật thể: Phát triển cùng chiều dài lịch sử dân tộc, trải qua các triều đại phong kiến, các thế hệ người dân trên đất Xuân Viên đã dày công xây dựng và để lại nhiều di sản văn hóa vật thể đáng trân trọng, minh chứng cho sự phát triển văn hoá lâu đời của con người trên vùng đất này.
Tại di chỉ bãi Cọi, các nhà khảo cổ đã khai quật được các hiện vật của nhiều tầng văn hóa tương ứng với thời kỳ Văn hóa Quỳnh Văn, Sa Huỳnh, Bàu Tró của thời đại đồ đá, văn hóa Đông sơn thời đại đồ đồng.
          Thời kỳ phong kiến, Xuân Viên hình thành một hệ thống đình, đền, chùa, miếu đa dạng.
          + Đình: Có đình Trung (Đình Hát) thờ các vị Thành Hoàng làng. Đình được trùng tu thời nhà Nguyễn và tồn tại cho đến ngày nay.
          + Văn miếu: Thờ đức Khổng Tử.
          + Đền: Thờ các vị bản cảnh Thành hoàng và các vị nhân thần có công với nước. Xuân Viên có hệ thống đền khá phong phú, gồm:
           Đền Kịn thờ thần Cao Sơn Cao Các Trà Sơn Đại Vương
           Đền Phúc Đa thờ thần Cao Sơn Cao Các Mạc Sơn Đại Vương
           Đền Rắt thờ Thành Hoàng làng Gia Phú
           Đền làng Hóp thờ Sát Hải Đại vương Hoàng Minh Tộ
                   Đền Nhà Vua thờ Bát Long hoàng tử Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, người có công dẹp loạn Chiêm Thành, phát triển kinh tế, ổn định dân cư vùng biên phía Nam giáp Chiêm Thành.
          Đền Cát Thuỷ thờ Đông Phương Thanh Y Ngô Hồ Đại tướng quân Thượng Đẳng Tôn Thần.
          Đền Xuân Áng thờ Phạm Hạc Quận công, người có công giúp vua đánh giặc thời Tây sơn, lập chợ Ang, xây dựng làng Xuân Áng.
          Đền Nhà Bà thờ Bắc Sơn Hoà Diệu linh ứng đại thần.
          Đền Thôn Yên thờ Tham Đốc Toán nham hầu Đậu Vĩnh Tường.
          Đền thôn Lớn thờ Thành Hoàng làng.
          + Lăng mộ Tiến sĩ Hiệp biện Đại học sĩ Ngụy Khắc Tuần
          + Miếu thờ gồm: Miếu Nhà chàng, Miếu Làng Trang, Miếu Yên Mỹ,
Miếu Phúc Tuy.
          + Hệ thống chùa gồm: Chùa Gia đạo, chùa Diên Phúc, chùa Bụt, chùa Mí
          + Các nền tế gồm: Nền tế Kỳ Phúc, Nền tế Thanh Minh, Nền tế Gia Đông, Nền tế Gia Nội, Nền tế Đồng Xuân.
          Các di sản văn hóa hiện nay phần lớn đã thành phế tích, chỉ còn một toà Đình Trung, chùa Diên Phúc, nhà thờ tiến sĩ Ngụy Khắc Tuần. Gần đây, địa phương mới đầu tư xây dựng nhà thờ chiến sĩ cách mạng Lê Duy Điếm, người đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên của quê hương và nhà thờ Liệt sĩ của xã.
          Văn hóa tinh thần: Trên đất Xuân Viên không có tôn giáo. Các tín ngưỡng chủ yếu là thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Các dòng họ đều có từ đường. Nghi lễ thờ cúng ở Xuân Viên không phức tạp, tốn kém nhưng vẫn thể hiện được tấm lòng thành kính và sự tri ân đối với gia tiên và những người có công với dân, với nước. Tuy trên đất Xuân Viên không có tôn giáo nhưng những nét tích cực của đạo Nho hoà quyện với truyền thống và đạo lý dân tộc tạo nên cốt cách, cái chân, thiện, mỹ của mỗi người dân Xuân Viên. Tại đây còn có Văn miếu Tôn thờ đạo học - nơi truyền bá chữ Nho và hàng chục lớp dạy chữ tại các nhà thờ họ. Cấu trúc làng xã, thôn ấp ở Xuân Viên cũng được đặt theo chữ nho: làng Mỹ Lộc ở theo hình chữ Vương; làng Gia Phú ở thế chữ Đinh; làng Cát Thuỷ, Phúc Tuy ở thế chữ điền; làng Xuân Áng ở thế chữ nhân.... Làng ấp nào cũng có cây đa, giếng nước, miếu thờ thổ thần, dền thờ Thành hoàng: Làng Mỹ Lộc có cây đa Phát lát, giếng Cơn Dừa, Miếu Nhà Chàng; Làng Gia Phú có cây đa Lùm Tròi, giếng Cầu, giếng Sau, Đền Nhà Bà; làng Cát Thuỷ có cây đa nhà Ép, giếng Cát Thuỷ, đền Cát Thuỷ, làng Phúc Tuy có cây đa Đồng Thinh, giếng Đồng Ông, giếng Bầu Già, miếu Phúc Tuy; làng Xuân Áng có cây đa chợ Ang, đền Quan Quận, giếng Văn Miếu.
          Trong cách cư xử giao tiếp, chữ hiếu, chữ trung, chữ kính, chữ hoà được coi trọng, trở thành nếp sống, nếp nghĩ, của người dân Xuân Viên và là những phong tục tập quán tốt đẹp. Trong lịch sử, Xuân Viên hai lần vinh dự được phong tặng danh hiệu: Mỹ tục khả phong.
          Trước Cách mạng tháng Tám, tín ngưỡng cộng đồng chủ yếu tập trung vào các trọng lễ:
          + Lễ Xuân Thụ: cúng tại đền các thôn vào ngày 10 tháng giêng âm lịch.
          + Lễ Khai Hạ: Tổ chức vào ngày 08 tháng giêng âm lịch tại đình Trung. Vào những ngày lễ hội có cờ trắng, múa lân; vật phẩm có bánh chưng, bánh dày, xôi, thịt lợn, gà, bò. Các thôn ấp có cờ xí, chiêng, trống, bát âm, múa lân, tàn, kiệu rước phong sắc của đền, miếu mình về đình Trung tế lễ. Khi lễ tắt tại xã lại rước phong sắc trở về đền, miếu của mình tế tại thôn, ấp.
          + Lễ Thanh Minh tế tại nền tế Thanh Minh vào ngày 15/3 âm, lịch.
          + Lễ Kỳ Phúc (lễ cầu yên) tế tại nền tế Kỳ Phúc vào ngày 18/6 âm lịch.
          + Lễ Hạ Điền tế tại các nền tế Đồng Xuân, Gia Đông, Gia Nội vào ngày 15/10 âm lịch.
          Các lễ tế có vật phẩm như oản, chuối. Tế xong đều có phần biếu cho các chức sắc, các bậc kỳ lão. Nội dung tế lễ cầu mong cho quốc thái, dân an, mưa nắng thuận hoà, mùa màng tươi tốt, dân tình khoẻ mạnh.
          + Các loại hình nghệ thuật và sinh hoạt văn hoá: Trong dân gian còn lưu truyền nhiều truyền thuyết, huyền thoại, nhiều câu hò, ví dặm, hát vè. Đặc biệt là nơi có nhiều trò chơi mang bản sắc riêng của địa phương như trò đánh cù diễn ra vào dịp tết Nguyên Đán, kéo dài từ lễ khai hạ đến tết thượng nguyên. Trò chơi này thu hút hàng ngàn người từ các xã phụ cận về Xuân Viên vui Xuân. Vào dịp tết Nguyên đán, thôn làng nào cũng tổ chức thi đánh đu giữa các cặp nam thanh nữ tú. Ngoài ra, có hội đánh cá vực thuồng luồng diễn ra hàng năm vào ngày sau tết lập hạ. Các phường trò tổ chức biểu diễn các vở kịch như: Kiều Nguyệt Nga, Trương Viên, Lưu Bình Dương Lễ, Tống Trân Cúc Hoa phục vụ nhân dân. "Hội" đánh cá vực thuồng luồn đã hình thành trên 400 năm và duy trì đến ngày nay.
          Các sinh hoạt văn hoá tuy đơn giản nhưng lại thắm đượm tính truyền thống văn hoá dân tộc và mang sắc thái riêng của địa phương. Nó trở thành tài sản văn hoá phi vật thể truyền lại cho con cháu muôn đời sau.